Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Các DN sản xuất mì gói cạnh tranh khốc liệt

Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, mức tiêu thụ mì ăn liền tại Việt Nam đang đứng thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Năm 2012, khả năng tăng trưởng của mi gói có thể tăng đến trên 7 tỷ gói so với con số 5 tỷ gói của năm 2011, dự báo này không chỉ cho thấy nhu cầu gia tăng mà mức độ cạnh tranh để giành thị phần của các DN cũng sẽ khốc liệt hơn.

Một vòng qua các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ, sản phẩm mì gói của các công ty Vina Acecook, Asia Foods, Vifon, Uni-President, Massan, Miliket… đang chiếm lĩnh hơn 90% thị phần với hàng trăm nhãn hiệu khác nhau. Đó là chưa kể hàng chục nhãn hàng mì gói nước ngoài cũng đang hiện diện khắp nơi, tạo sự phong phú cho thị trường cả về bao bì, mẫu mã lẫn giá cả.


Tuy nhiên, cuộc đua này bắt đầu gay gắt khi ba nhãn hiệu lớn nhất là Vina Acecook, Asia Foods và Massan cùng đua nhau tăng tốc giành thị phần bằng quảng cáo và chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó, các sản phẩm của Vina Acecook (100% vốn Nhật Bản) đang dẫn đầu với khoảng 65% thị phần. Tiếp theo là Asia Foods (DN trong nước) chiếm hơn 20% thị phần và thứ ba là Massan.

Ông Phan Sông Lam, chuyên viên tư vấn thương hiệu, cho rằng, với mì gói, công nghệ sản xuất của các công ty gần như giống nhau và sự khác biệt được tạo ra chủ yếu bởi chủng loại, giá cả và các chiêu thức quảng cáo chứ không phải ở chính sản phẩm.

Lấy thế mạnh dây chuyền công nghệ được chuyển giao từ Acecook Nhật Bản – cái nôi của mì ăn liền, cộng với bề dày kinh nghiệm trên 50 năm sản xuất mì và hơn 15 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, am hiểu thị hiếu và khẩu vị người tiêu dùng, Vina Acecook đã nhanh chân thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư bao bì bắt mắt, sang trọng hơn, đồng thời “nâng” giá trị cho mì gói bằng việc tung ra một số dòng sản phẩm cao cấp với giá bán gần gấp đôi so với các loại mì thông thường.

Trước đó, với quan niệm mì gói là sản phẩm bình dân nên giá bán của các hãng trên thị trường chỉ dao động trong tầm khoảng gần 2.000 – 3.000 đồng/gói, chất lượng, hương vị cũng na ná giống nhau.

Việc đột phá của Vina Acecook đã mang lại thành công cho công ty này, bởi không chỉ tạo cho thị trường mì gói một diện mạo mới với nhiều sự chọn lựa, phong phú về khẩu vị, màu sắc, chủng loại, Vina Acecook còn thâu tóm được tất cả các phân khúc người tiêu dùng, từ bình dân đến cao cấp.


Theo đánh giá của các chuyên gia thương hiệu, việc đa dạng sản phẩm có thể chỉ mang lại thành công về bề nổi cho các DN, còn xét về doanh thu thì không tăng trưởng nhiều bởi càng nhiều sản phẩm thì chính các thương hiệu sẽ tự “ăn” vào thị trường của nhau.

Tuy nhiên, ông Hoàng Cao Trí, Phó tổng giám đốc Vina Acecook, lại cho rằng: “Đa dạng hóa sản phẩm sẽ giúp hỗ trợ cho chủng loại sản phẩm kinh doanh chính, tìm kiếm các thị trường mới hoặc phân tán bớt rủi ro.

Ngoài ra, còn làm tăng khả năng phục vụ và tối đa hóa lợi nhuận trên cùng một phân khúc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi DN đã có những sự thấu hiểu và kinh nghiệm trong việc đáp ứng nhu cầu đối với phân khúc đó”.

Ông Phạm Trọng Bảo Châu, Giám đốc Thương mại Asia Foods, cũng đồng tình: “Thành công của thương hiệu thụ thuộc rất nhiều vào việc xác lập được định vị thương hiệu tạo nên sự khác biệt và gắn kết sâu sắc với người tiêu dùng mục tiêu. Việc đưa ra những dòng sản phẩm mới và thậm chí là những thương hiệu mới cũng nằm trong mục tiêu đáp ứng ngày một tốt hơn, có ý nghĩa hơn cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”.

>> Cuộc chiến của những gói mì ăn liền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét