Mì ăn liền tình cờ tham gia một cuộc tranh luận với chủ đề: “Cuộc chiến của những gói mì ăn liền” mới vỡ lẽ ra rằng, công nghệ lăng xê mì ăn liền không đơn giản như nhiều người tưởng.
Đó là nhận xét của ông Bùi Khánh Dũng - Giám đốc Trung tâm thông tin và nghiên cứu thị trường của Investconsult Group ở khu vực phía Nam. Bởi theo ông, dù có được mệnh danh cao cấp hay thấp cấp thì mì tôm vẫn đơn thuần là sản phẩm tiện lợi. Tuy nhiên, các dòng sản phẩm cũng được phân hóa khá rõ rệt. Ở phân khúc bình dân, giá của mỗi gói mì khoảng 1.500 - 2.000 đồng; phân khúc cấp trung đang được bán với mức giá 2.500 - 3.500 đồng/gói; loại cao cấp có giá từ 5.000 đến hơn 10.000 đồng/gói.
Trong cuộc đua về chủng loại và giá cả, các sản phẩm của Vina Acecook (100% vốn Nhật Bản) đang dẫn đầu với khoảng 65% thị phần. Ngay sau đó là Asia Food (100% vốn trong nước) chiếm hơn 20% thị phần với các thương hiệu Gấu Đỏ, Hello, Vifood, Hảo Hạng, Osami, mới đây nhất là Trứng Vàng. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ, sản phẩm mì gói của Vina Acecook, Asia Food, mì ăn liền Vifon, Uni-President, Massan, mì ăn liền Miliket… đang chiếm lĩnh hơn 90% thị phần với hàng trăm nhãn hiệu khác nhau. Đó là chưa kể hàng chục nhãn hàng nước ngoài đang hiện diện khắp nơi, tạo sự phong phú cho thị trường cả về bao bì, mẫu mã lẫn giá cả.
Ngoài ra, phân khúc trung cao đang dần chiếm một vị trí quan trọng trong toàn bộ chiếc bánh của thị trường mì ăn liền. Nhưng phân khúc cao (tạm xếp ở mức từ 5.000 đồng/sản phẩm trở lên) cũng khó chiếm ưu thế mạnh vì nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn có nhiều lựa chọn thay thế mà cũng không kém phần tiện lợi nhờ mạng lưới thực phẩm đường phố rộng khắp như phở, hủ tiếu, cháo, xôi... Và cũng chính vì thế, các hãng sản xuất mì ăn liền đành tìm đến quảng cáo như một thứ công cụ để định hướng khẩu vị của người tiêu dùng.
Chiếm lĩnh thị trường bằng quảng cáo
Phải khẳng định rằng, việc cạnh tranh trên thị trường mì ăn liền chỉ bắt đầu bùng nổ và một xu hướng phát triển kinh doanh dựa vào tiếp thị hình ảnh, truyền thông chỉ thực sự xuất hiện khi liên doanh sản xuất mì Vifon Acecook hình thành vào năm 1993. Cuộc cạnh tranh trên thị trường cũng khá quyết liệt cả giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trước hết, phải kể đến Vina Acecook, thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực này. Vina Acecook nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng được bảo chứng bởi công nghệ Nhật Bản. Trong khi đó, Vifon lại tạo dựng sức mạnh từ một thương hiệu lâu đời nhất Việt Nam và đã chứng thực được niềm tin thông qua mạng lưới xuất khẩu rộng khắp và cả ở những thị trường khó tính, có yêu cầu cao. Đặc biệt, khi Massan tung ra dòng sản phẩm mì ăn không sợ nóng Omachi thì quả là một bước đột phá trong công nghệ “lăng xê” mì gói. Việc lựa chọn phân khúc cấp trung và chuyển tải một thông điệp rất thiết thực “không sợ nóng” là một lựa chọn chiến lược xuất sắc của Massan.
Tuy nhiên, sẽ là rất thiếu sót nếu không nhắc đến sự hỗ trợ tuyệt vời của mạng lưới phân phối vốn khá mạnh của Massan với các chủng loại sản phẩm thực phẩm tiêu dùng có cùng kênh với mì ăn liền. Omachi còn được cam kết bởi một ngân sách truyền thông lên tới cả triệu USD cho khoảng thời gian từ khi tung sản phẩm vào tháng 5/2007 cho đến Tết âm lịch, nhắm vào các thành phố lớn.
Rõ ràng là, đã qua rồi cái thời mì sản xuất ra không kịp bán, chẳng cần phải quảng cáo. Giờ đây, cho dù sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp nhưng nếu không có chiến lược truyền thông một cách bài bản thì thua là cầm chắc. Và vì nhiều lẽ, đây cũng là điểm yếu của các công ty trong nước.
Sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất châu Á. Theo dự báo của các chuyên gia, ngành sản xuất mì ăn liền sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ cao, sản lượng sẽ tăng lên khoảng 6-7 tỷ gói trong vòng 3 năm tới. Hướng tới, các doanh nghiệp sẽ không đi vào sản xuất theo chiều rộng mà tập trung vào chiều sâu và đa dạng hóa sản phẩm với mì gói, mì ly, mì tô, mì không chiên, mì tươi. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Asia Food cho rằng, ngành công nghiệp sản xuất mì gói ngày càng khó khăn hơn vì có rất nhiều doanh nghiệp tham gia. Để ổn định được giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, ngoài việc công ty phải không ngừng đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại thì định mức hao hụt trong tất cả khâu phải duy trì ở mức dưới 1%.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2008, tại Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền, sản lượng đạt khoảng 5 tỷ gói/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 15% -20%.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ nhiều mì ăn liền nhất thế giới với 44,3 tỷ gói bán ra trong năm 2005. Indonesia đứng thứ hai với 12,4 tỷ gói và Nhật Bản thứ ba với 5,4 tỷ gói. Hàn Quốc là nước tiêu thụ nhiều mì ăn liền nhất tính theo đầu người với trung bình 69 gói một người một năm. Tiếp theo là Indonesia 55 gói và Nhật Bản 42 gói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét