Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Mì Omachi và Dr. Thanh đâu là sự thật?

Trong khi nhà sản xuất mì khoai tây Omachi “rao giảng”, rằng sử dụng các sản phẩm từ khoai tây mì ăn không sợ nóng thì các nhà sản xuất trà Dr. Thanh lại cho rằng ăn khoai tây chiên sẽ có cảm giác nóng trong người.

Vẫn chỉ là khoai tây, nhưng các sản phẩm này lại được gắn mác bổ dưỡng, thanh mát. Vậy đâu là sự thật?

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, về cấu trúc, khoai tây, sắn, gạo, dong riềng… đều là tinh bột cả, khi vào cơ thể phải qua quá trình từ tinh bột chuyển hóa thành đường, rồi từ tinh đường vào cơ thể mới sản sinh ra năng lượng…

Tinh bột đó tiêu hóa nhanh bao nhiêu thì khả năng sinh ra năng lượng càng lớn và sinh nhiệt càng nhanh. Vì vậy bột sắn, ngô, khoai tây đều qua quá trình thủy phân, không có cái gì nhanh hơn cái gì.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, các loại mì ăn liền chỉ được pha chế một lượng bột khoai tây nhất định. Ngoài thành phần đó, có thể nhận thấy hàm lượng thành phần của mì khoai tây so với mì khác không có sự khác biệt. Thực tế, khoai tây cũng giống như loại củ quả cung cấp tinh bột khác, đều gây ra cảm giác nóng cho người sử dụng

Cũng có loại bột, mạch tinh bột quá dài thì quá trình phân cắt lâu hơn thì nó tiêu hóa chậm hơn… Tuy nhiên bột khoai tây là tinh bột sợi ngắn, vì vậy tiêu hóa còn nhanh hơn tinh bột sắn. Do đó, không có lí gì nói bột khoai tây sinh ra năng lượng chậm hơn tinh bột sắn cả. Nếu lượng tinh bột như nhau thì sinh ra năng lượng như nhau, vậy không thể nói nóng hay không nóng.

Quảng cáo mì khoai tây Omachi cho người tiêu dùng thấy mì lạ do làm từ khoai tây, ít mỡ, dai, ngon mà mì ăn không sợ nóng… Tuy nhiên, nhìn nhận từ quan điểm khoa học, bột khoai tây khó có thể có chất lượng tốt hơn so với bột mì. Với những phân tích của PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh ở trên thì dù có hay không hàm lượng khoai tây, thì mì Omachi cũng như sản phẩm khác, đều gây cảm giác nóng trong người.

Đánh tráo khái niệm

Theo Ths. Trần Ngọc Hà, chuyên gia truyền thông - maketing, các nhà sản xuất đưa ra những khái niệm để người tiêu dùng nhầm lẫn, hay còn gọi là đánh tráo khái niệm, khiến người tiêu dùng tưởng rằng chất lượng tốt, nhưng thực ra, thành phần tốt thực lại rất ít.

Công nghệ sản xuất mì gói thì ai cũng biết, đều làm từ bột mì và các chất phụ gia khác, nhưng nếu chỉ có một thành phần rất nhỏ như vậy mà quảng cáo nhiều lên thành một thông điệp quảng cáo không bình thường thì đây là đánh tráo khái niệm, làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn, để tin rằng mì được làm từ 100% khoai tây.
Bên cạnh đó, clip quảng cáo mì khoai tây Omachi cho người tiêu dùng nhận thức là ngoại trừ mì này, sử dụng loại khác đều bị nóng? Điều đó cho thấy quảng cáo này dựa trên sự sợ hãi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, rất khó lừa được người tiêu dùng thông thái, bởi quảng bá sản phẩm giữa các doanh nghiệp đều có sự mâu thuẫn, chẳng hạn ví dụ về trà Dr. Thanh và Omachi.

Từ sự không rõ ràng này cho thấy sự thiếu trung thực trong quảng cáo, cũng như qua lời quảng cáo mâu thuẫn giữa hai sản phẩm này, người tiêu dùng thông thái sẽ biết đâu là sự thật.

Tin tức liên quan 
>> Mì khoai tây ăn không sợ nóng?
>> Cuộc chiến của những gói mì ăn liền

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Bảo tàng mì ăn liền - món ăn nhanh phổ biến

Mì ăn liền (cũng quen gọi là mì tôm) được  sản xuất từ nguyên liệu chính là bột mì (khoảng 80%), ngoài ra còn phối trộn thêm tinh bột làm tăng độ dai cho sợi mì, trải qua nhiều công đoạn thành mì khô đã chín, có thể ăn liền, thường ăn 3–5 phút sau dội nước sôi lên. (Có thể dội nước nguội rồi hâm 3 phút trong lò vi ba). Nó còn được gọi mì gói hay mì cốc hoặc mì ly, tùy cách đựng mì. Gói mì ăn liền thường có một gói gia vị với thành phần khác nhau tùy theo mỗi loại .  

Mì ăn liền có xuất xứ là phiên bản ăn liền của món ramen của Nhật. “Cha đẻ của mì ăn liềnMomofuku Ando (1910 - 2007) là người Nhật gốc Trung Quốc, đã nghĩ ra ý tưởng  tạo món ăn tiện lợi này  khi ông chứng kiến từng hàng dài người đói khát xếp hàng mua mì đã nấu sẵn vì Nhật đang trong giai đoạn khan hiếm thực phẩm  sau khi trải qua Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó  Andō Momofuku  thành lập Công ty Thực phẩm Nissin, nay trở thành Tập đoàn Thực phẩm Nissin, và được coi là "cha đẻ" của mì ăn liền.

Kể từ khi được tạo ra nhằm giảm bớt áp lực về thực phẩm ở Nhật sau chiến tranh, món mì ăn liền ngày càng được ưa chuộng. Mì ăn liền sau đó trở nên phổ biến khắp thế giới vì tính tiện dụng của nó. Khi mì ăn liền trở nên phổ biến khắp châu Á, nhiều thể loại mì ăn liền khác xuất hiện từ những thức ăn ở các vùng địa phương như phở ăn liền, bún ăn liền, miến ăn liền ...

Các nước châu Á là những nước tiêu thụ nhiều mì ăn liền nhất (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia,…). Với giá khá rẻ, chế biến nhanh và đơn giản, mì ăn liền là một loại thức ăn phổ biến tại Việt Nam với nhiều sản phẩm mì ăn liền khác nhau: mì Gấu Đỏ, mì ăn liền Vifon, mì Hảo Hảo,…

Bảo tàng mì ăn liền
Bảo tàng mì ăn liền (Cup Noodles Museum), rộng 10.000 m2 được tập đoàn thực phẩm Nissin xây dựng và mở cửa vào 17/9/2011 tại thành phố cảng Yokohama. Đây là một trong những điểm đến mới lý tưởng dành cho những du khách yêu thích ẩm thực đến khám phá. Công  trình được xây dựng nhằm tái hiện lịch sử ngành sản xuất mi ăn liền và tưởng nhớ tới “ông vua mì ăn liền” Momofuku Ando, người có công “phát minh” ra loại thực phẩm tiện lợi và ngon miệng này. Bảo tàng trưng bày các sản phẩm mì ăn liền Nissan được bày bán rộng rãi trên thế giới trong nhiều thập niên qua. Theo Tập đoàn Nissin Foods, đơn vị quản lý bảo tàng, đây cũng là cơ hội để giới thiệu với đông đảo du khách về ngành công nghiệp thực phẩm Nhật Bản.
Đến với bảo tàng, bạn không những được tìm hiểu về lịch sử của mì ăn liền, quy trình chế biến ra chúng mà còn có thể tự tay làm ra các sợi mì và “sáng chế” những hương vị riêng.  Khách tham quan tới đây có thể tự làm cho mình một cốc mì, chọn loại thực phẩm ăn kèm ưa thích và cốc mỳ đó sẽ được đóng gói để mang về nhà, bằng sự phối hợp đa dạng người ta có thể tạo ra 5.000 loại mì khác nhau.

Ngoài khu vực giới thiệu về lịch sử và các loại mì ăn liền, bảo tàng rộng hơn 10.000 m2 này còn có nhiều nhà hàng phục vụ các món ăn tương tự trên khắp thế giới như phở của Việt Nam, mì pasta của Ý...

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Cuộc chiến của những gói mì ăn liền

Hiếm có sản phẩm nào lại có “tầm phủ sóng” rộng như mì ăn liền. Cũng hiếm có sản phẩm nào đáp ứng được khẩu vị của cả người giàu lẫn gười nghèo như nó. Và vì vậy, cuộc đua giành giật thị trường của những gói mì xem ra khá hấp dẫn.

Mì ăn liền tình cờ tham gia một cuộc tranh luận với chủ đề: “Cuộc chiến của những gói mì ăn liền” mới vỡ lẽ ra rằng, công nghệ lăng xê mì ăn liền không đơn giản như nhiều người tưởng.
“Nước sông không phạm nước giếng”

Đó là nhận xét của ông Bùi Khánh Dũng - Giám đốc Trung tâm thông tin và nghiên cứu thị trường của Investconsult Group ở khu vực phía Nam. Bởi theo ông, dù có được mệnh danh cao cấp hay thấp cấp thì mì tôm vẫn đơn thuần là sản phẩm tiện lợi. Tuy nhiên, các dòng sản phẩm cũng được phân hóa khá rõ rệt. Ở phân khúc bình dân, giá của mỗi gói mì khoảng 1.500 - 2.000 đồng; phân khúc cấp trung đang được bán với mức giá 2.500 - 3.500 đồng/gói; loại cao cấp có giá từ 5.000 đến hơn 10.000 đồng/gói.

Trong cuộc đua về chủng loại và giá cả, các sản phẩm của Vina Acecook (100% vốn Nhật Bản) đang dẫn đầu với khoảng 65% thị phần. Ngay sau đó là Asia Food (100% vốn trong nước) chiếm hơn 20% thị phần với các thương hiệu Gấu Đỏ, Hello, Vifood, Hảo Hạng, Osami, mới đây nhất là Trứng Vàng. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ, sản phẩm mì gói của Vina Acecook, Asia Food, mì ăn liền Vifon, Uni-President, Massan, mì ăn liền Miliket… đang chiếm lĩnh hơn 90% thị phần với hàng trăm nhãn hiệu khác nhau. Đó là chưa kể hàng chục nhãn hàng nước ngoài đang hiện diện khắp nơi, tạo sự phong phú cho thị trường cả về bao bì, mẫu mã lẫn giá cả.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, người miền Bắc có xu hướng dùng các loại đơn giản về khẩu vị, chính vì thế sản phẩm mì Miliket 4 tôm được khá nhiều người ưa dùng do… nó chẳng có gia vị gì thêm ngoài một gói bột canh. Còn hiện nay đa phần các doanh nghiệp sản xuất mì đặt ở miền Nam nên sản phẩm thường quá nhiều gia vị, nhiều béo… Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu thị trường, ông Dũng cũng cho rằng, cái bánh thị phần khá lớn ở phân khúc bình dân - nhưng có lợi nhuận rất thấp - chỉ đón nhận những nhãn hàng có quy mô sản lượng lớn. Bên cạnh đó, ba nhãn hàng đang thống trị phân khúc này là Hảo Hảo, Hảo 100 và Gấu Đỏ chiếm hơn 50% ngân sách truyền thông của ngành và mật độ bao phủ thị trường dày đặc, chưa kể vô số sản phẩm chưa thành danh. Phân khúc này sẽ là lựa chọn không khôn ngoan cho bất kỳ nhà đầu tư mới nào.

Ngoài ra, phân khúc trung cao đang dần chiếm một vị trí quan trọng trong toàn bộ chiếc bánh của thị trường mì ăn liền. Nhưng phân khúc cao (tạm xếp ở mức từ 5.000 đồng/sản phẩm trở lên) cũng khó chiếm ưu thế mạnh vì nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn có nhiều lựa chọn thay thế mà cũng không kém phần tiện lợi nhờ mạng lưới thực phẩm đường phố rộng khắp như phở, hủ tiếu, cháo, xôi... Và cũng chính vì thế, các hãng sản xuất mì ăn liền đành tìm đến quảng cáo như một thứ công cụ để định hướng khẩu vị của người tiêu dùng.

Chiếm lĩnh thị trường bằng quảng cáo

Phải khẳng định rằng, việc cạnh tranh trên thị trường mì ăn liền chỉ bắt đầu bùng nổ và một xu hướng phát triển kinh doanh dựa vào tiếp thị hình ảnh, truyền thông chỉ thực sự xuất hiện khi liên doanh sản xuất mì Vifon Acecook hình thành vào năm 1993. Cuộc cạnh tranh trên thị trường cũng khá quyết liệt cả giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trước hết, phải kể đến Vina Acecook, thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực này. Vina Acecook nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng được bảo chứng bởi công nghệ Nhật Bản. Trong khi đó, Vifon lại tạo dựng sức mạnh từ một thương hiệu lâu đời nhất Việt Nam và đã chứng thực được niềm tin thông qua mạng lưới xuất khẩu rộng khắp và cả ở những thị trường khó tính, có yêu cầu cao. Đặc biệt, khi Massan tung ra dòng sản phẩm mì ăn không sợ nóng Omachi thì quả là một bước đột phá trong công nghệ “lăng xê” mì gói. Việc lựa chọn phân khúc cấp trung và chuyển tải một thông điệp rất thiết thực “không sợ nóng” là một lựa chọn chiến lược xuất sắc của Massan.

Tuy nhiên, sẽ là rất thiếu sót nếu không nhắc đến sự hỗ trợ tuyệt vời của mạng lưới phân phối vốn khá mạnh của Massan với các chủng loại sản phẩm thực phẩm tiêu dùng có cùng kênh với mì ăn liền. Omachi còn được cam kết bởi một ngân sách truyền thông lên tới cả triệu USD cho khoảng thời gian từ khi tung sản phẩm vào tháng 5/2007 cho đến Tết âm lịch, nhắm vào các thành phố lớn.

Rõ ràng là, đã qua rồi cái thời mì sản xuất ra không kịp bán, chẳng cần phải quảng cáo. Giờ đây, cho dù sản phẩm có chất lượng cao, hình thức đẹp nhưng nếu không có chiến lược truyền thông một cách bài bản thì thua là cầm chắc. Và vì nhiều lẽ, đây cũng là điểm yếu của các công ty trong nước.

Sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn

Việt Nam được xem là một trong những quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất châu Á. Theo dự báo của các chuyên gia, ngành sản xuất mì ăn liền sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ cao, sản lượng sẽ tăng lên khoảng 6-7 tỷ gói trong vòng 3 năm tới. Hướng tới, các doanh nghiệp sẽ không đi vào sản xuất theo chiều rộng mà tập trung vào chiều sâu và đa dạng hóa sản phẩm với mì gói, mì ly, mì tô, mì không chiên, mì tươi. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Asia Food cho rằng, ngành công nghiệp sản xuất mì gói ngày càng khó khăn hơn vì có rất nhiều doanh nghiệp tham gia. Để ổn định được giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, ngoài việc công ty phải không ngừng đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại thì định mức hao hụt trong tất cả khâu phải duy trì ở mức dưới 1%.
Suy cho cùng, mì ăn liền tuy không phải là một sản phẩm mới mẻ nhưng nếu cạnh tranh một cách sòng phẳng, chắc chắn phần thắng sẽ nghiêng về các doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản, biết lắng nghe và đưa ra những sản phẩm vừa có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2008, tại Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền, sản lượng đạt khoảng 5 tỷ gói/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 15% -20%.

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ nhiều mì ăn liền nhất thế giới với 44,3 tỷ gói bán ra trong năm 2005. Indonesia đứng thứ hai với 12,4 tỷ gói và Nhật Bản thứ ba với 5,4 tỷ gói. Hàn Quốc là nước tiêu thụ nhiều mì ăn liền nhất tính theo đầu người với trung bình 69 gói một người một năm. Tiếp theo là Indonesia 55 gói và Nhật Bản 42 gói.

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Sự góp mặt mì ăn liền Nissin tại Việt Nam

Hàng ngày, hàng triệu người trên thế giới có thể thưởng thức những tô mì gói thơm ngon và tiện dụng, nhưng không nhiều người biết rằng mì ăn liền chính là một phát minh của một người Nhật - ông Momofuku Ando.

Vào những năm sau chiến tranh thế giới thứ II, khi chứng kiến người dân Nhật Bản nối đuôi nhau chờ mua những tô mì trong những ngôi chợ nhỏ dưới trời đêm rét lạnh, ông Momofuku Ando đã ước mong về sự an bình cho đất nước: "Hòa bình sẽ đến khi người dân có đủ cái ăn". Và chính từ những khoảnh khắc ngắn ngủi cùng tư tưởng lớn lao đó đã đem đến cho ông niềm tin, sự quyết tâm để phát minh ra loại mì tiện dụng, có thể thưởng thức chỉ sau khi cho nước nóng vào, mà ngày nay được gọi là ăn liền.
Năm 1958, ông Momofuku Ando đã thành lập Công ty TNHH Thực phẩm Nissin tại Nhật Bản, tiên phong trong kinh doanh và sản xuất mì ăn liền. Từ đó, công ty đã mang đến những phát minh mang tính đột phá: mì vị gà ăn liền "Chikin Ramen" (1958), là một phát minh tiên phong đáng tự hào của người dân Nhật Bản; mì ly "Nissin Cup Noodle" (1971) giúp người tiêu dùng có thể ăn ngon mọi lúc mọi nơi trong những chiếc ly giấy an toàn và hợp vệ sinh; mì không gian "Mì ăn liền có thể ăn trong môi trường không trọng lực" (2005).

Tập đoàn thực phẩm Nissin Foods vươn ra thế giới với 47 nhà máy sản xuất, trên 15 quốc gia và tạo ra hơn 1.200 loại mì gói cho toàn cầu (theo thống kê năm 2011).

Chính những phát minh này đã đưa Nissin không chỉ là thương hiệu mì ăn liền tiên phong lớn trong nước, mà còn vươn xa hơn đến các châu lục khác. Ngày nay, Nissin Foods trở thành tập đoàn thực phẩm lớn trên thế giới và ông Momofuku Ando được xem là huyền thoại trong văn hóa ẩm thực của mọi thời đại.

Việt Nam là đích đến tiếp theo khi Nissin Foods đã thành lập nhà máy sản xuất với số vốn đầu tư lên tới 41 triệu USD, cùng công nghệ Nhật Bản hiện đại. Công ty TNHH Thực Phẩm Nissin Việt Nam sẽ mang đến cho khách hàng Việt Nam một chuẩn mực mới về sản phẩm mì ăn liền - hương vị thơm ngon, phong phú trong một quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo tuyệt đối cho sự an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng.
 
Mì ăn liền không chiên Nissin 

Đặc biệt, mì không chiên Nissin vì không chiên qua dầu nên không sợ nóng, đồng thời còn ngon nhờ sợi mì dai, nước súp đậm đà, phù hợp khẩu vị Việt. Với 3 hương vị tôm chua cay tinh túy, bò sốt tiêu cay, gà rau răm thơm ngọt, chỉ với 400 ml nước sôi, trong vòng 3 phút, Nissin sẽ mang đến cho người dùng những trải nghiệm ẩm thực ngon miệng.

Website: http://nissinfoods.com.vn/